Ngày nay, có nhiều phương pháp để đánh giá tình trạng sức khoẻ người đái tháo đường ngoài chỉ số đường huyết. Mỗi chỉ số sức khoẻ có thể có ý nghĩa đánh giá khác nhau trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường.
Xét nghiệm đường huyết là gì?
Xét nghiệm đường huyết là phương pháp để đo nồng độ glucose trong máu. Glucose là một loại đường có khả năng chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể.
Bên cạnh việc chẩn đoán bệnh đái tháo đường, theo dõi đường huyết giúp đánh giá sự dao động của chỉ số đường huyết theo chế độ ăn uống, tập thể dục, thuốc. Chỉ số đường huyết cao hoặc thấp bất thường có thể dẫn đến các tình trạng cấp và mạn tính, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Đường huyết cao (tăng đường huyết) trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa và gây nên những tổn thương ở nhiều cơ quan trong cơ thể như ở tim, thận, thần kinh, mạch máu,…
Chỉ số đường huyết thấp (hạ đường huyết) thường gặp ở người mắc bệnh đái tháo đường loại 1 và người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đang dùng một số loại thuốc có tác dụng hạ đường huyết. Nếu không điều trị kịp thời, lượng đường trong máu thấp nghiêm trọng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm co giật và tổn thương não.
Xét nghiệm đường huyết dùng để đo lượng đường trong máu
Khi nào cần xét nghiệm đường huyết
Khi có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ của tăng hoặc hạ đường huyết, bạn nên thực hiện xét nghiệm đường huyết để chẩn đoán bệnh đái tháo đường cũng như đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
Tìm hiểu thêm: Phát hiện sớm 4 dấu hiệu của bệnh tiểu đường ở nữ
Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm:
- Các triệu chứng điển hình: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gây nhiều
- Các triệu chứng khác: khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, vết thương lâu lành, có cảm giác kiến bò ở đầu chi
Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm:
- Cảm thấy run rẩy hoặc bồn chồn
- Mệt mỏi
- Cảm thấy chóng mặt
- Đau đầu
- Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim
- Gặp khó khăn khi nhìn hoặc nói rõ ràng
- Ngất xỉu hoặc co giật
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Thừa cân hoặc béo phì
- Từ 45 tuổi trở lên
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
- Bị huyết áp cao
- Chế độ vận động kém
- Có tiền sử bệnh tim hoặc đột quỵ
- Có tiền sử đái tháo đường thai kỳ
- Mang thai ở tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ
Người có các dấu hiệu của tăng hoặc hạ đường huyết cần xét nghiệm chỉ số đường huyết
Tìm hiểu thêm: 9 biến chứng tiểu đường phổ biến và cách phòng ngừa
Các phương pháp trong chẩn đoán và quản lý bệnh đái tháo đường
Đường huyết ngẫu nhiên
Xét nghiệm lượng đường trong máu ngẫu nhi là phương pháp đo đường huyết tại thời điểm xét nghiệm. Thử nghiệm này không nhất thiết phải được thực hiện vào một thời điểm cụ thể trong ngày và cũng không yêu cầu phải nhịn ăn.
Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên có thể được thực hiện tại nhà và không cần sự hỗ trợ của bác sĩ. Khi đó, bạn có thể sử dụng thiết bị đo đường huyết bằng lấy máu mao mạch.
Thiết bị được sử dụng để đo đường huyết mao mạch bao gồm kim để trích máu, máy đo đường huyết và que thử.
Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp tự theo dõi đường huyết tại nhà đối với bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát đường huyết kém hoặc đang sử dụng insulin hoặc thuốc có tác dụng hạ đường huyết khác.
Đường huyết lúc đói
Xét nghiệm đo đường huyết lúc đói (FPG) yêu cầu bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm (thường phái nhịn đói qua đêm từ 8 đến 14 giờ). Đây là phương pháp đơn giản, hiệu quả và thường được sử dụng để chẩn đoán thái tháo đường.
Nghiệm pháp dung nạp glucose
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức y tế thế giới (WHO), điều kiện để thực hiện nghiệm pháp này bao gồm:
- Ăn khẩu phần chứa khoảng 150-200 g carbohydrat mỗi ngày
- Nhịn đói từ nửa đêm trước khi làm nghiệm pháp
- Uống một dung dịch tương đương 75 g glucose hòa tan trong 250-300 mL nước, uống trong 5 phút.
Xét nghiệm định lượng HbA1c
HbA1c được thành lập do sự kết hợp giữa glucose và huyết sắc tố (Hemoglobin) nhờ phản ứng glycosyl hóa (glycosylation). Tốc độ glycosyl hóa của huyết sắc tố tùy thuộc chỉ số đường huyết và HbA1c tồn tại trong suốt đời sống của hồng cầu (khoảng 120 ngày).
Hồng cầu mới thành lập không chứa HbA1c và hồng cầu sắp bị đào thải chứa nhiều HbA1c nhất. HbA1c phản ánh chỉ số đường huyết trung bình trong 6-8 tuần trước khi đo.
Xét nghiệm này được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chẩn đoán theo tiêu chuẩn quốc tế. Trước kia, HbA1c được diễn đạt kết quả là %, gần đây Liên đoàn Đái tháo đường Quốc Tế đề nghị trình bày kết quả theo đơn vị mmol/mol.
Bệnh nhân không cần nhịn ăn trước khi xét nghiệm. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ có giá trị chẩn đoán bệnh đái tháo đường type 2 và không thể phát hiện bệnh khi triệu chứng của bệnh xuất hiện dưới 2 tháng.
HbA1c là xét nghiệm chẩn đoán được khuyến nghị cho bệnh đái tháo đường và cũng có thể cung cấp thông tin về việc quản lý liên tục bệnh nhân tiểu đường một cách thích hợp.
HbA1c thường được khuyến cáo đo 3 tháng một lần để theo dõi sát tình trạng kiểm soát chỉ số đường huyết huyết, nếu chỉ số đường huyết thường xuyên ổn định có thể đo 6 tháng một lần.
Xét nghiệm đo đường huyết liên tục (CGM)
Đo đường huyết liên tục (CGM) là một phương pháp sử dụng một bộ phận cảm biến gắn trên da để xác định chỉ số đường trong dịch kẽ mà không cần trích máu từ ngón tay. Phương pháp này ngày càng được sử dụng phổ biến để theo dõi đường huyết tại nhà ở bệnh nhân đái tháo đường.
Tùy thuộc vào sản phẩm, cảm biến có thể được gắn trên người bệnh nhân từ 3 đến 14 ngày. Cảm biến có thể được quét bằng đầu đọc, hiển thị chỉ số đường huyết trong dịch kẽ hiện tại và xu hướng trong 8 giờ trước đó.
Thông qua việc đo đường huyết liên tục, bệnh nhân có thể dự đoán và phòng ngừa xu hướng tăng hoặc hạ đường huyết, đánh giá được ảnh hưởng của các yếu tố như thuốc, dinh dưỡng và vận động đến tình trạng đường huyết của bệnh nhân.
Để đạt được hiệu quả trong điều trị đái tháo đường, việc kết hợp với thay đổi lối sống được khuyến cáo nên kết hợp với đo đường huyết liên tục, điều này đã được chứng minh thông qua một số thử nghiệm lâm sàng và cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện chỉ số HbA1c, giúp bệnh nhân ngăn ngừa nguy cơ tiến triển của các biến chứng do đái tháo đường.
Tìm hiểu thêm: 7 sai lầm thường gặp khi chăm sóc người thân mắc Đái tháo đường
Bạn có thể mua thiết bị đo đường huyết liên tục tại DiaB – nền tảng online chuyên cung cấp các giải pháp chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân đái tháo đường. Qua đó, chương trình tư vấn thay đổi lối sống tại cùng chuyên gia tại DiaB được tích hợp khi mua máy đo đường huyết liên tục, giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh đái tháo đường và làm chủ được đường huyết của bản thân.
Thiết bị đo đường huyết liên tục
Ý nghĩa của các chỉ số trong chẩn đoán đái tháo đường
Đường huyết được đo bằng đơn vị mmol/L hoặc mg/dL. Chỉ số đường huyết bình thường: 4 đến 6 mmol/L hoặc 72 đến 108 mg/dL.
Chẩn đoán tiền đái tháo đường
Bệnh nhân được chẩn đoán tiền đái tháo đường khi có một trong các rối loạn sau đây:
- Rối loạn glucose huyết đói: Chỉ số đường huyết lúc đói từ 100 (5,6 mmol/L) đến 125 mg/dL (6,9 mmol/L)
- Rối loạn dung nạp glucose: Chỉ số đường huyết sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L)
- HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) đến 6,4% (47 mmol/mol).
Chẩn đoán bệnh đái tháo đường
Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường (theo Hiệp Hội Đái tháo đường Mỹ – ADA) dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau đây:
- Chỉ số đường huyết lúc đói: ≥ 126 mg/dL (hay 7 mmol/L).
- Chỉ số đường huyết ở thời điểm sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
- HbA1c ≥ 6,5% (48 mmol/mol).
- Ở bệnh nhân có triệu chứng kinh điển của tăng glucose huyết hoặc chỉ số đường huyết ở thời điểm bất kỳ ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L).
Kiểm soát các chỉ số đường huyết nhờ thay đổi lối sống
Trong các khuyến cáo về điều trị đái tháo đường, thay đổi lối sống là khuyến cáo quan trọng góp phần cải thiện và kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Thay đổi lối sống trong điều trị đái tháo đường bao gồm thay đổi chế độ dinh dưỡng và chế độ vận động.
Như đã đề cập, việc theo dõi đường huyết liên tục khi kết hợp với thay đổi lối sống sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt là việc làm giảm chỉ số HbA1c, đồng nghĩa với việc ngăn ngừa 45% nguy cơ tiến triển của các biến chứng đái tháo đường.
Các khuyến cáo về thay đổi lối sống phải được cá nhân hóa để phù hợp với từng bệnh nhân và tùy thuộc vào các yếu tố như tình trạng sức khỏe, khả năng kiểm soát đường huyết, mục tiêu điều trị,…Do đó, việc quản lý bệnh đái tháo đường đòi hỏi sự tiếp cận và hỗ trợ từ các chuyên gia.
Với chương trình thay đổi lối sống tại DiaB, khách hàng sẽ được chăm sóc tận tình với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực như bác sĩ, chuyên gia vận động, dinh dưỡng và tâm lý – hành vi.
Dựa theo chương trình Giáo dục và Hỗ trợ tự quản lý bệnh đái tháo đường (DSMES) của Hoa Kỳ, đội ngũ chuyên gia luôn sẵn sàng hỗ trợ các khách hàng với mong muốn mang lại những kiến thức mang tính khoa học, giúp bệnh nhân cải thiện được chỉ số đường huyết, tự quản lý và chăm sóc bệnh đái tháo đường của bản thân một cách hiệu quả nhất.
Nếu bạn có thắc mắc về máy đo đường huyết hoặc muốn kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn, hãy tham khảo chương trình thay đổi lối sống kết hợp với máy đo đường huyết liên tục tại https://abbott.diab.com.vn/.
Tham khảo
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 2, Ban hành kèm theo Quyết định số 5481/QĐ-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ Y tế
- https://medlineplus.gov/lab-tests/blood-glucose-test/
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/325729
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK555976/