Cha mẹ mắc bệnh Đái tháo đường, liệu có nên nói cho con trẻ? Điều ấy thật sự là cần thiết để con hiểu và hỗ trợ cha mẹ trong việc kiểm soát và cấp cứu kịp thời.
Lợi ích của việc giải thích về bệnh Đái tháo đường với con
Con sẽ hiểu và thông cảm hơn nếu bạn có những lúc bực tức hoặc buồn bã vì đường máu lên cao hay xuống thấp, chúng sẽ không lầm tưởng rằng cha mẹ giân dữ vì chúng có lỗi lầm nào đó. Đồng thời, con bạn cũng biết chúng sẽ có nguy cơ bị Đái tháo đường cao hơn các bạn khác và nếu muốn tránh bị Đái tháo đường chúng cần ăn uống điều độ và có thói quen tập thể dục từ nhỏ.
Nếu bạn có biến chứng của Đái tháo đường hoặc biến chứng nặng lên thì sẽ dễ giải thích hơn với con bạn nếu chúng đã biết bệnh Đái tháo đường là gì. Con bạn cũng có thể hỗ trợ bạn xử lý tình trạng cấp cứu như lấy sữa, kẹo hoặc pha nước đường cho bạn khi bạn bị hạ đường máu hoặc gọi cấp cứu.
Muốn để trẻ hiểu, người lớn cần giải thích chi tiết và đầy đủ về bệnh Đái tháo đường và tình trạng bệnh của mình. Cách này đôi khi lại khiến trẻ lo lắng quá mức, tuy nhiên thường sau một thời gian ngắn thì bọn trẻ sẽ bình tĩnh trở lại và có động lực tìm hiểu bệnh Đái tháo đường.
Lứa tuổi nào là phù hợp để nói về bệnh Đái tháo đường
Thời điểm tốt nhất để nói chuyện về bệnh Đái tháo đường là khi đứa trẻ bắt đầu có những câu hỏi về bệnh như bố hoặc mẹ chích máu đầu ngón tay làm gì, tại sao bố/mẹ lại uống thuốc trước khi ăn, tại sao bố hoặc mẹ không ăn Chocolate,… Các chuyên gia thống nhất rằng bạn nên giải thích về bệnh Đái tháo đường khi trẻ bắt đầu đi học lớp 1.
Khi giải thích bạn nên cho con trẻ xem máy đo đường máu cá nhân, bơm kim tiêm insulin, thuốc đái tháo đường,… để chúng thấy rằng đó là những thứ bình thường với người bệnh Đái tháo đường cũng như hiểu được công dụng của từng loại.