Ảnh hưởng của bệnh Đái tháo đường đến sức khỏe tinh thần

Theo một nghiên cứu cho biết, 71% những người mắc bệnh Đái tháo đường típ 1 và 58% người mắc típ 2 nói rằng tình trạng này có tác động tiêu cực đến sức khỏe cảm xúc của họ. Số liệu này đã cho thấy sự liên quan mật thiết giữa các vấn đề tinh thần với bệnh Đái tháo đường.

Những ảnh hưởng của Đái tháo đường đền sức khỏe tinh thần

Sống chung với Đái tháo đường gây nên áp lực đáng kể, làm hạn chế khả năng tận hưởng cuộc sống và cảm nhận hạnh phúc với người bệnh. Khi mắc phải Đái tháo đường, bệnh nhân thường sẽ phải đối mặt với các vấn đề tinh thần sau:

  • Những người có thời gian chung sống với Đái tháo đường (gồm cả típ 1 và típ 2) đều có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn ăn uống. Đặc biệt, phụ nữ mắc Đái tháo đường thai kỳ sẽ dễ trầm cảm trong khi mang thai và sau khi sinh con.
  • Tỉ lệ bị trầm cảm suốt đời với người mắc bệnh cao gấp đôi so với trung bình dân số.
  • Với chứng rối loạn ăn uống, người mắc Đái tháo đường típ 1 có nguy cơ cao gấp hai lần so với người bình thường.

Hơn nữa, trong bối cảnh COVID-19 như hiện nay, người bệnh càng có nguy cơ suy giảm sức khỏe tinh thần trầm trọng. Ít giao tiếp xã hội làm tăng nỗi lo lắng của họ về tình trạng đường huyết của bản thân. Ngoài ra, các yếu tố gia đình và xã hội cũng tác động đáng kể; ước tính từ 35-50% người bệnh gặp vấn đề tâm lý vào một vài thời điểm nhất định.

Cách cải thiện đời sống tinh thần với bệnh nhân Đái tháo đường

Người bệnh cần được phát hiện các vấn đề bất thường về tâm lý bởi các chuyên gia. Theo ước tính, chỉ khoảng ⅓ người mắc Đái tháo đường được điều trị kịp thời. Nguyên nhân có thể do các dấu hiệu tinh thần khi lượng đường huyết bất ổn bị nhầm lẫn với lo lắng thông thường.

Sau khi được phát hiện, bệnh nhân Đái tháo đường có thể cải thiện đời sống tinh thần theo các cách sau:

  • Trò chuyện cùng gia đình hay bác sĩ tâm lý.
  • Một số loại thuốc có thể cải thiện vấn đề này, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm SSRI. Một số bằng chứng cũng cho thấy SSRI có khả năng kiểm soát đường huyết với bệnh nhân típ 2.Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được cho phép và kiểm soát của bác sĩ.
  • Kiểm soát sự căng thẳng, bởi căng thẳng không chỉ làm giảm khả năng quản lý bệnh mà còn làm tăng lượng đường máu khiến bệnh càng khó kiểm soát.

Mối liên hệ giữa Đái tháo đường và sức khỏe tinh thần là không nhỏ. Vì vậy, người bệnh ngoài việc kiểm soát đường huyết và sức khỏe thể chất, hãy quan tâm đến sức khỏe tinh thần bản thân nhiều hơn để có thể tăng chất lượng cuộc sống.

Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích
Contact Me on Zalo