Về tinh thần
Theo một nghiên cứu cho biết, 71% những người mắc bệnh Đái tháo đường típ 1 và 58% người mắc típ 2 nói rằng tình trạng này có tác động tiêu cực đến sức khỏe cảm xúc của họ. Số liệu này đã cho thấy sự liên quan mật thiết giữa các vấn đề tinh thần với bệnh Đái tháo đường.
Những ảnh hưởng của Đái tháo đường đền sức khỏe tinh thần
Sống chung với Đái tháo đường gây nên áp lực đáng kể, làm hạn chế khả năng tận hưởng cuộc sống và cảm nhận hạnh phúc với người bệnh. Khi mắc phải Đái tháo đường, bệnh nhân thường sẽ phải đối mặt với các vấn đề tinh thần sau:
- Những người có thời gian chung sống với Đái tháo đường (gồm cả típ 1 và típ 2) đều có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu hay rối loạn ăn uống. Đặc biệt, phụ nữ mắc Đái tháo đường thai kỳ sẽ dễ trầm cảm trong khi mang thai và sau khi sinh con.
- Tỉ lệ bị trầm cảm suốt đời với người mắc bệnh cao gấp đôi so với trung bình dân số.
- Với chứng rối loạn ăn uống, người mắc Đái tháo đường típ 1 có nguy cơ cao gấp hai lần so với người bình thường.
Hơn nữa, trong bối cảnh COVID-19 như hiện nay, người bệnh càng có nguy cơ suy giảm sức khỏe tinh thần trầm trọng. Ít giao tiếp xã hội làm tăng nỗi lo lắng của họ về tình trạng đường huyết của bản thân. Ngoài ra, các yếu tố gia đình và xã hội cũng tác động đáng kể; ước tính từ 35-50% người bệnh gặp vấn đề tâm lý vào một vài thời điểm nhất định.
Cách cải thiện đời sống tinh thần với bệnh nhân Đái tháo đường
Người bệnh cần được phát hiện các vấn đề bất thường về tâm lý bởi các chuyên gia. Theo ước tính, chỉ khoảng ⅓ người mắc Đái tháo đường được điều trị kịp thời. Nguyên nhân có thể do các dấu hiệu tinh thần khi lượng đường huyết bất ổn bị nhầm lẫn với lo lắng thông thường.
Sau khi được phát hiện, bệnh nhân Đái tháo đường có thể cải thiện đời sống tinh thần theo các cách sau:
- Trò chuyện cùng gia đình hay bác sĩ tâm lý.
- Một số loại thuốc có thể cải thiện vấn đề này, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm SSRI. Một số bằng chứng cũng cho thấy SSRI có khả năng kiểm soát đường huyết với bệnh nhân típ 2.Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần được cho phép và kiểm soát của bác sĩ.
- Kiểm soát sự căng thẳng, bởi căng thẳng không chỉ làm giảm khả năng quản lý bệnh mà còn làm tăng lượng đường máu khiến bệnh càng khó kiểm soát.
Mối liên hệ giữa Đái tháo đường và sức khỏe tinh thần là không nhỏ. Vì vậy, người bệnh ngoài việc kiểm soát đường huyết và sức khỏe thể chất, hãy quan tâm đến sức khỏe tinh thần bản thân nhiều hơn để có thể tăng chất lượng cuộc sống.
Cha mẹ mắc bệnh Đái tháo đường, liệu có nên nói cho con trẻ? Điều ấy thật sự là cần thiết để con hiểu và hỗ trợ cha mẹ trong việc kiểm soát và cấp cứu kịp thời.
Lợi ích của việc giải thích về bệnh Đái tháo đường với con
Con sẽ hiểu và thông cảm hơn nếu bạn có những lúc bực tức hoặc buồn bã vì đường máu lên cao hay xuống thấp, chúng sẽ không lầm tưởng rằng cha mẹ giân dữ vì chúng có lỗi lầm nào đó. Đồng thời, con bạn cũng biết chúng sẽ có nguy cơ bị Đái tháo đường cao hơn các bạn khác và nếu muốn tránh bị Đái tháo đường chúng cần ăn uống điều độ và có thói quen tập thể dục từ nhỏ.
Nếu bạn có biến chứng của Đái tháo đường hoặc biến chứng nặng lên thì sẽ dễ giải thích hơn với con bạn nếu chúng đã biết bệnh Đái tháo đường là gì. Con bạn cũng có thể hỗ trợ bạn xử lý tình trạng cấp cứu như lấy sữa, kẹo hoặc pha nước đường cho bạn khi bạn bị hạ đường máu hoặc gọi cấp cứu.
Muốn để trẻ hiểu, người lớn cần giải thích chi tiết và đầy đủ về bệnh Đái tháo đường và tình trạng bệnh của mình. Cách này đôi khi lại khiến trẻ lo lắng quá mức, tuy nhiên thường sau một thời gian ngắn thì bọn trẻ sẽ bình tĩnh trở lại và có động lực tìm hiểu bệnh Đái tháo đường.
Lứa tuổi nào là phù hợp để nói về bệnh Đái tháo đường
Thời điểm tốt nhất để nói chuyện về bệnh Đái tháo đường là khi đứa trẻ bắt đầu có những câu hỏi về bệnh như bố hoặc mẹ chích máu đầu ngón tay làm gì, tại sao bố/mẹ lại uống thuốc trước khi ăn, tại sao bố hoặc mẹ không ăn Chocolate,… Các chuyên gia thống nhất rằng bạn nên giải thích về bệnh Đái tháo đường khi trẻ bắt đầu đi học lớp 1.
Khi giải thích bạn nên cho con trẻ xem máy đo đường máu cá nhân, bơm kim tiêm insulin, thuốc đái tháo đường,… để chúng thấy rằng đó là những thứ bình thường với người bệnh Đái tháo đường cũng như hiểu được công dụng của từng loại.
Không tìm thấy nội dung cần tìm?
Bạn, hoặc người thân trong gia đình, đang sống cùng bệnh đái tháo đường và mong muốn được hỗ trợ về thông tin? Đừng ngần ngại gửi câu hỏi trực tiếp cho chúng tôi theo mẫu bên dưới. Chúng tôi sẽ tổng hợp và phản hồi trong thời gian sớm nhất.