Bàn Chân Tiểu Đường: Nguyên Nhân, Yếu Tố Nguy Cơ Và Cách Chăm Sóc

Bàn chân tiểu đường là một trong những gánh nặng lớn đối với hệ thống y tế, bản thân người bệnh và thân nhân. Theo thống kê, trên thế giới cứ mỗi 30 giây sẽ có 1 ca đoạn chi do đái tháo đường và đa số các trường hợp này có tổn thương ban đầu là loét bàn chân.

Trong giai đoạn từ năm 2007 – 2014 tại Mỹ, gánh nặng về chi phí chăm sóc loét bàn chân đái tháo đường đã lên đến 9 – 13 tỷ USD. Ở Châu Âu cũng không ngoại lệ, khi chi phí điều trị loét bàn chân tiểu đường theo số liệu thống kê vào năm 2017 ở khu vực này cũng lên đến gần 14 tỷ USD, một con số rất lớn so với tổng chi phí chăm sóc các loại vết thương.

Vậy bàn chân tiểu đường là bệnh gì mà lại nguy hiểm và tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế? Liệu có cách điều trị, chăm sóc bàn chân tiểu đường nào thực sự hiệu quả để giảm bớt đau đớn và giúp vết thương của người bệnh nhanh lành hơn? Tất cả thông tin sẽ được cung cấp trong bài viết dưới đây của DiaB:

I. Bàn chân tiểu đường là gì? Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Bàn chân tiểu đường là một biến chứng mạn tính thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, là nguyên nhân chính dẫn đến cắt cụt chi, làm tăng chi phí điều trị và suy giảm chất lượng sống của người bệnh.

Tham khảo thêm: Các biến chứng phổ biến do bệnh đái tháo đường và cách phòng ngừa

1. Bàn chân tiểu đường là gì?

Bàn chân tiểu đường hay còn gọi là bàn chân đái tháo đường, là từ dùng để mô tả tình trạng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường khi có sự hiện diện của tình trạng:

– Nhiễm trùng.

– Loét và/hoặc phá hủy mô sâu.

=> Tình trạng này được cho là có liên quan bất thường về thần kinh và bệnh động mạch ngoại biên bất kể mức độ ở bàn chân.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, mỗi năm có khoảng 9.1 đến 26.1 triệu người loét bàn chân đái tháo đường & khoảng 19 – 34% người bệnh đái tháo đường sẽ bị loét chân ít nhất 1 lần trong đời. Cũng theo ước tính, có đến 40% người bệnh tiểu đường bị tái phát loét bàn chân chỉ sau 01 năm lành vết thương.

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây loét bàn chân đái tháo đường? 

“Hoại tử do đái tháo đường không phải từ trên trời rơi xuống mà được sinh ra trên mặt đất”, một nhà khoa học tên Elliott Joslin hơn 80 năm về trước đã nhận định như vậy về bàn chân tiểu đường.

Thật vậy! Bàn chân không tự loét, mà đều bắt nguồn từ nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ chính sau đây:

2.1 Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường: Gây mất cảm giác bảo vệ

Theo kết quả nghiên cứu của Reiber và các cộng sự, 63% các ca loét bàn chân đái tháo đường có nguyên nhân từ một biến chứng rất thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường, đó là: Bệnh thần kinh ngoại biên kết hợp với chấn thương dẫn đến loét bàn chân.

Người bệnh khi gặp các chấn thương phổ biến như: nổi bóng nước do mang giày chật, va chạm giữa vật cứng với bàn chân, bỏng… sẽ gây ra các vết thương nhỏ. Tuy nhiên, vết thương ở bệnh nhân tiểu đường thường lâu lành và dễ nhiễm trùng. Trong khi đó, bệnh thần kinh ngoại biên lại khiến họ mất cảm giác bảo vệ, từ đó không nhận diện được mình đang bị thương, dẫn đến không chăm sóc và khiến vết thương từ nhỏ chuyển sang lớn, thậm chí gây biến chứng nhiễm trùng.

Cụ thể, tác động của bệnh thần kinh ngoại biên lên các dây thần kinh cảm giác, tự chủ và vận động như sau:

– Tác động lên dây thần kinh cảm giác => gây mất cảm giác bảo vệ (không nhận biết được cảm giác đau, nóng, lạnh…). Đây là yếu tố nguy cơ chính thường hiện diện ở đa số các bàn chân tiểu đường, với khả năng loét tăng đến 07 lần so với bàn chân người bình thường.

– Tác động lên dây thần kinh vận động => gây biến dạng bàn chân, các ngón chân co quắp bất thường, vòm bàn chân quá cao hoặc quá bẹt (như bàn chân móng vuốt, bàn chân hình búa) => tăng áp lực bất thường tại các vùng xương nhô ra của bàn chân, làm xuất hiện nhiều điểm tì đè mới. 

– Tác động lên dây thần kinh tự chủ => làm giảm tiết mồ hôi => gây khô da, nứt nẻ, chai sần.

2.2. Bệnh động mạch ngoại biên do tiểu đường: Gây biến chứng mạch máu

Yếu tố nguy cơ tiếp theo gây loét bàn chân tiểu đường là bệnh động mạch ngoại biên, với việc tham gia vào sự phát triển của vết loét trong 50% trường hợp.

Đây cũng là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đoạn chi dưới ở bàn chân người đái tháo đường. Lý do là vì bệnh này khiến nguồn cung cấp từ các động mạnh đến bàn chân không được đảm bảo, dẫn đến chậm lành thương, dễ bị vi khuẩn xâm nhập & hoại tử.

2.3 Chấn thương

Như đã đề cập, chấn thương là một trong những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến bàn chân người tiểu đường dễ bị loét và nhiễm trùng. Có 2 dạng chấn thương khiến da bị tổn thương, gồm:

– Chấn thương do tác nhân bên ngoài: bỏng, giày chật, giẫm phải vật nhọn, tai nạn…

– Chấn thương do yếu tố nội tại của bàn chân: vết chai sần, biến dạng bàn chân, móng mọc ngược…

Ngoài 3 yếu tố nguy cơ vừa nêu, còn có một số yếu tố khác có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ loét bàn chân tiểu đường, điển hình như:

  • Thị lực kém
  • Hút thuốc lá
  • Người bị sưng phù
  • Bệnh thận do tiểu đường, người đang chạy thận nhân tạo
  • Tuân thủ điều trị kém, không chăm sóc bàn chân đúng cách
  • Các yếu tố xã hội: sống một mình, địa vị xã hội thấp, trình độ học vấn thấp, khó tiếp cận với các dịch vụ y tế…

II. Cách điều trị loét bàn chân tiểu đường

Điều trị loét bàn chân tiểu đường kịp thời rất quan trọng, vì nếu vết loét nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến phải đoạn chi để cứu tính mạng người bệnh.

Do đó, ngoài việc thường xuyên kiểm tra và chăm sóc bàn chân để ngăn ngừa loét ở người chưa gặp vết thương, thì việc phát hiện sớm và điều trị loét bàn chân đã hình thành do biến chứng tiểu đường cũng cần được thực hiện liên tục.

Theo thông tin từ BS CKII. Thái Văn Hùng, trong chăm sóc bàn chân tiểu đường, phần lớn bác sĩ lâm sàng điều trị sẽ dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:

1. Giảm áp lực và bảo vệ vết loét cho bàn chân tiểu đường

Nếu vết loét hình do gia tăng áp lực lên bàn chân, thì giảm tải áp lực chính là nền tảng quan trọng trong điều trị. Cách thực hiện gồm:

– Đổi kích cỡ giày dép phù hợp với kích thước bàn chân.

– Lót miếng đệm giữa các ngón chân.

– Dùng dụng cụ chỉnh hình (máng bột, nẹp) có thể tháo rời.

– Dùng dụng cụ chỉnh hình tùy theo vị trí và loại vết loét.

2. Phục hồi tưới máu mô để cải thiện tình trạng thiếu máu cục bộ

Tái thông mạch máu là phương pháp khôi phục tuần hoàn trực tiếp đến tối thiểu một trong các động mạch ở bàn chân. Đây là cách phục hồi tưới máu mô hiệu quả nên cần cân nhắc tái thông mạch trước trong các trường hợp sau đây:

– Bệnh nhân có biểu hiện thiếu máu cục bộ ở bàn chân, nhiễm trùng mô hoặc mất mô diện rộng.

– Trong vòng 6 tuần sau khi đã được xử trí tối ưu mà vết loét bàn chân tiểu đường không lành, bất kể kết quả của các phương pháp chẩn đoán mạch máu trước đó như thế nào.

– Bệnh nhân nhiều khả năng phải đoạn chi cao (cắt cụt phía trên mắt cá chân).

*Lưu ý: các bệnh nhân được nhận định khả năng thành công không cao thì nên tránh tái thông mạch máu. 

Hiện các phương pháp cải thiện tưới máu điều trị bằng thuốc chưa được chứng minh mang lại lợi ích cho bệnh nhân tiểu đường loét bàn chân. Vì thế, tái thông mạch máu được xem là giải pháp phục hồi tưới máu mô khả quan nhất để các động mạch cung cấp máu đến vết thương. 

Bên cạnh đó, cũng có thể cân nhắc các cách điều trị khác để giảm nguy cơ tim mạch, như: kiểm soát tăng huyết áp và rối loạn lipid máu, cai thuốc lá hoặc sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu.

3. Điều trị nhiễm trùng loét bàn chân tiểu đường

Khi bị loét bàn chân đái tháo đường, quá trình điều trị cần có sự phối hợp của nhiều biện pháp khác nhau.

3.1 Vết loét bàn chân nông, nhiễm trùng mô mềm ở mức độ nhẹ

Bác sĩ sẽ làm sạch, cắt lọc mô hoại tử và các vùng da xung quanh đã bị chai cứng. Đồng thời dùng kháng sinh đường uống để điều trị nhắm đến các vi khuẩn thường gặp.

3.2 Vết loét nhiễm trùng rộng hoặc sâu, có nguy cơ đe dọa chi 

Với vết loét bàn chân tiểu đường nhiễm trùng mức độ trung bình hoặc nặng, bác sĩ sẽ xác định xem liệu có cần phải can thiệp ngoại khoa với mục đích:

– Cắt lọc các mô hoại tử, bao gồm cả xương bị nhiễm trùng.

– Giải phóng áp lực khoang dẫn lưu ổ áp xe.

Trường hợp bệnh nhân bị bệnh động mạch ngoại biên thì sẽ xem xét điều trị, kể cả tái thông mạch máu. Việc điều trị sẽ dựa theo kinh nghiệm bằng kháng sinh phổ rộng đường tiêm, nhắm vào các vi khuẩn:

– Vi khuẩn gram âm, gram dương thường gặp.

– Vi khuẩn kị khí.

Dựa trên đáp ứng lâm sàng với kháng sinh ban đầu, kết quả kháng sinh đồ & kết quả cấy mẫu phân lập, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ sử dụng kháng sinh cho phù hợp.

3.3 Kiểm soát chuyển hóa và điều trị các bệnh đồng mắc

– Kiểm soát đường huyết của bệnh nhân về mức an toàn, nếu cần thiết có thể dùng insulin.

– Phối hợp điều trị nếu bệnh nhân bị chứng phù nề hoặc suy dinh dưỡng.

3.4 Chăm sóc tại chỗ vết loét bàn chân tiểu đường

– Để sớm nhận ra dấu hiệu nhiễm trùng nặng và các biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân bàn chân đái tháo đường, nhân viên y tế hoặc bản thân người bệnh, thân nhân cần thường xuyên kiểm tra vết loét. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của vết loét và các bệnh lý cơ bản, lượng dịch tiết, sự hiện diện của nhiễm trùng và các biện pháp điều trị vết thương đã áp dụng… mà tần suất kiểm tra có thể sẽ khác nhau. 

– Cắt lọc các mô hoại tử và các vùng da chai xung quanh.

– Dùng băng gạc kiểm soát tiết dịch quá mức, đồng thời duy trì môi trường ẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lành thương diễn ra thuận lợi hơn.

– Có thể cân nhắc dùng liệu pháp áp lực âm hỗ trợ liền vết thương hậu phẫu & cân nhắc một trong số các biện pháp bổ trợ sau, dành cho bàn chân tiểu đường không nhiễm trùng nhưng lâu lành sau 4-6 tuần, trong điều kiện đã được chăm sóc lâm sàng tối ưu:

  • Sử dụng liệu pháp oxy cao áp để điều trị hỗ trợ các vết loét không lành do thiếu máu cục bộ (dù đã tái thông mạch máu). 
  • Dùng băng gạc tẩm Sucrose Octasulfate (NOSF – Nano Oligo Saccharide Factor) để chăm sóc vết thương bàn chân đái tháo đường, dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Quốc tế Bàn chân Đái tháo đường.

III. Phòng ngừa biến chứng bàn chân tiểu đường bằng thay đổi lối sống

Đường huyết cao trong thời gian dài là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các biến chứng ở bệnh nhân tiểu đường, trong đó có biến chứng bàn chân tiểu đường. Vì vậy, mục tiêu chính trong điều trị đái tháo đường là kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa sự tiến triển của các biến chứng.

Tham khảo thêm: Chỉ số đường huyết trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường

Trong tất cả các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị dành cho bệnh nhân đái tháo đường, điều trị bằng thuốc cần phải kết hợp với thay đổi lối sống để kiểm soát đường huyết trong ngưỡng an toàn.

Theo dõi đường huyết liên tục kết hợp với thay đổi lối sống là một trong những phương pháp quản lý đường huyết hiệu quả tại nhà, được chứng minh có khả năng làm giảm HbA1c, tương đương với giảm 45% nguy cơ tiến triển thành các biến chứng do tiểu đường.

Theo dõi đường huyết tại nhà bằng máy đo đường huyết liên tục kết hợp với thay đổi lối sống là chương trình được phát triển bởi DiaB – đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân đái tháo đường.

Khách hàng khi mua máy đo đường huyết tại DiaB có cơ hội được trải nghiệm chương trình thay đổi lối sống và được hỗ trợ trực tiếp từ đội ngũ chuyên gia tiểu đường giàu kinh nghiệm. Người bệnh sẽ nhận thấy rõ rệt sự cải thiện của chỉ số đường huyết thông chương trình thay đổi lối sống của DiaB, dựa trên dữ liệu từ máy đo đường huyết liên tục.

Nếu bạn có thắc mắc về máy đo đường huyết hoặc muốn kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn, hãy tham khảo chương trình thay đổi lối sống kết hợp với máy đo đường huyết liên tục tại  https://abbott.diab.com.vn/ 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bài viết “Bàn chân đái tháo đường” – ThS.BS Huỳnh Quốc Hội – Bệnh viện Nhân Dân 115.
  2. Hướng dẫn phòng ngừa và quản lý bàn chân Đái tháo đường của Nhóm Chuyên Trách Bàn Chân Đái tháo đường thế giới 2019 (IWGDF-The International working Group on the Diabetic Foot).
  3. Bài viết “Bàn chân đái tháo đường – Nguyên nhân xuất hiện và điều khiến vết thương lâu lành” – BSCKI. Bs Nội trú. Đậu Ly Na.
  4. Armstrong DG, Boulton AJM, Bus SA. Diabetic Foot Ulcers and Their Recurrence. N Engl J Med. 2017 15;376(24):2367–75. 
  5. Walsh JW, Hoffstad OJ, Sullivan MO, Margolis DJ. Association of diabetic foot ulcer and death in a population-based cohort from the United Kingdom. Diabet Med. 2016;33(11):1493–8. 
  6. de Smet GHJ, Kroese LF, Menon AG, Jeekel J, van Pelt AWJ, Kleinrensink G-J, et al. Oxygen therapies and their effects on wound healing. Wound Repair Regen. 2017;25(4):591–608. 
  7. Reiber GE, Vileikyte L, Boyko EJ, del Aguila M, Smith DG, Lavery LA, et al. Causal pathways for incident lower-extremity ulcers in patients with diabetes from two settings. Diabetes Care. 1999 Jan;22(1):157–62. 
  8. Bus SA, Lavery LA, Monteiro-Soares M, Rasmussen A, Raspovic A, Sacco ICN, et al. Guidelines on the prevention of foot ulcers in persons with diabetes (IWGDF 2019 update). Diabetes Metab Res Rev. 2020;36 Suppl 1:e3269. 
  9. Bài viết “Cách thay băng vết loét bàn chân đái tháo đường & Theo dõi sau điều trị” – Bác sĩ Nguyễn Đình Đức
  10. Nguyen TPL, Edwards H, Do TND, Finlayson K. Effectiveness of a theory-based foot care education program (3STEPFUN) in improving foot self-care behaviours and foot risk factors for ulceration in people with type 2 diabetes. Diabetes Res Clin Pract. 2019 Jun;152:29–38.

DiaB – Hệ sinh thái toàn diện dành riêng cho người Đái tháo đường

▪️ Chương trình Hướng dẫn kiểm soát đường huyết thông qua Thay đổi lối sống
▪️ Ứng dụng thông minh: Thư viện kiến thức và quản lý sức khỏe Đái tháo đường
▪️ Cửa hàng trực tuyến sản phẩm chăm sóc sức khỏe Đái tháo đường

Liên hệ tư vấn: 0931 888 832

Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích
Contact Me on Zalo