Vì sao người bệnh Đái tháo đường dễ bị trầm cảm?

Theo nghiên cứu, bệnh Đái tháo đường và bệnh trầm cảm có mối quan hệ hai chiều. Nếu mắc bệnh Đái tháo đường, bạn sẽ rất dễ bị trầm cảm, và ngược lại. Nguy hiểm hơn hết, đôi khi dấu hiệu của bệnh này lại che lấp bệnh còn lại nên gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ.

Nguyên nhân

Với người bệnh Đái tháo đường, kiểm soát đường huyết ổn định là cực kì quan trọng. Chính điều này khiến cho bệnh nhân tự tạo áp lực cho bản thân, nhất là khi đã thực hiện mọi cách mà đường huyết vẫn không giảm, hoặc luôn trong mức nguy hiểm.

Bên cạnh đó, khi bị stress, quá trình oxy hóa xảy ra khiến đường huyết tăng cao, từ đó làm tổn thương các tế bào thần kinh và mạch máu não dẫn đến các biến chứng Đái tháo đường. Khi cơ thể xuất hiện biến chứng, tâm lý người bệnh lại càng hoảng sợ và lo lắng hơn. Cứ thế vòng luẩn quẩn cứ thế diễn ra khiến bệnh Đái tháo đường lẫn bệnh trầm cảm ngày một nặng hơn.

Ngoài ra, một số yếu tố ngoại cảnh khác cũng góp phần khiến người mắc Đái tháo đường dễ bị trầm cảm: tiền sử gia đình, môi trường và hoàn cảnh sống,…

Dấu hiệu

Người mắc Đái tháo đường khi bị trầm cảm sẽ có một số dấu hiệu sau:

  • Cơ thể mệt mỏi, mất ngủ thường xuyên: Là dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết ở người bệnh. Việc ít vận động, thiếu đi sự linh hoạt bình thường kèm theo lo lắng, suy nghĩ nhiều, đặc biệt là do đường huyết không ổn định khiến người bệnh lo lắng, mất ngủ thường xuyên.
  • Chán ăn, bỏ ăn: Tình trạng sụt cân thường xảy ra với người bệnh Đái tháo đường có dấu hiệu trầm cảm. Họ không còn hứng thú với cuộc sống, với mọi thứ xung quanh dẫn đến việc chán và không muốn ăn. Một số cũng xảy ra trường hợp ngược lại là ăn nhiều hơn, từ đó dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Tâm trạng cáu gắt: Việc thay đổi lối sống, bị hạn chế và ràng buộc nhiều thứ khiến người bệnh không thoải mái, từ đó dẫn đến tâm lý bực bội, buồn chán và dễ cáu gắt với những người xung quanh.
  • Muốn buông bỏ tất cả: Là phản ứng thường gặp ở người bệnh Đái tháo đường. Nguyên nhân là do cuộc sống đang thoải mái bỗng dưng bị gò bó, chưa kể, việc nghĩ bản thân trở nên vô dụng, là gánh nặng của người thân, gia đình lại càng dễ khiến họ buông xuôi và mặc kệ sức khỏe tới đâu thì tới.

Để đề phòng bệnh trầm cảm, người bệnh Đái tháo đường cần phải chấp nhận bản thân mình bị bệnh, từ đó thay đổi lối sống cho phù hợp hơn để giải tỏa tâm lý và những lo âu thường ngày. Bên cạnh đó, người thân cũng cần quan tâm, động viên và trò chuyện để chia sẻ tâm lý với người bệnh.

Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích

One thought on “Vì sao người bệnh Đái tháo đường dễ bị trầm cảm?

  1. Pingback: My Homepage

Comments are closed.